Im hơi lặng tiếng gần 20 năm, dòng phim thanh xuân của điện ảnh Hong Kong đang đánh tiếng cho sự trở lại.
Giữa tháng 7 vừa qua, phim điện ảnh Những Người Anh Em (House of The Rising Sons) khởi chiếu tại Hong Kong, trở thành đề tài được quan tâm khi tái hiện câu chuyện đẹp đẽ của nhóm nhạc The Wynners nổi tiếng những năm 1970. Trước đó, vào cuối tháng 5, phim ngôn tình học đường Ngày Tháng Nào Đó (When Sun Meets Moon) với bối cảnh năm 1992 cũng tạo được hiệu ứng khá ấn tượng.
Liên tục trong mùa phim hè, hai tựa phim thuộc dòng thanh xuân hoài niệm được phát hành tại Hong Kong. Chưa bàn tới chuyện chất lượng hay hay dở, doanh thu cao hay thấp, chất liệu văn hóa – xã hội đặc trưng bản địa đã là dấu hiệu đáng mừng cho nền điện ảnh đang chịu vòng kiềm tỏa hà khắc từ phía chính quyền Trung Quốc đại lục.
Một thời một phong cách
Nói đến phim thanh xuân, nổi bật nhất vẫn là điện ảnh Đài Loan. Ngoài ra, điện ảnh Trung Quốc cũng mang một phong độ thất thường. Song không mấy ai nghĩ tới Hong Kong – mảnh đất gắn liền với phim hình sự, võ thuật.
Thực tế, phim thanh xuân Hong Kong vốn hiện diện từ thập kỷ 1970, trong lòng làn sóng mới của kinh đô điện ảnh châu Á một thời. Từ bấy đến nay, dòng phim này không ngừng chuyển mình, mỗi niên đại một phong cách.
Những năm 1970, các phim tâm lý, tình cảm gắn liền với hiện thực tàn khốc, tuổi trẻ bi kịch, cá tính nổi loạn và thường kết lại bằng những cái chết. Dòng phim này đổi thành tông màu hoàn toàn đối lập khi bước sang thập niên 1980: nhẹ nhàng, trong lành, mơ mộng và hơi “sến”.
Phim tình cảm giai đoạn này gắn liền với phong thái thư sinh, hào hoa của hai tài tử quá cố Trương Quốc Vinh và Trần Bách Cường, cùng nhan sắc tinh khôi, đáng yêu của mỹ nhân Trương Mạn Ngọc.
Những năm 1990 là giai đoạn cực thịnh của phim xã hội đen Hong Kong. Thanh xuân biến thành một yếu tố trong các phim khuynh hướng bạo lực. Đó là lý do series Người Trong Giang Hồ (Youth and Danger) làm mưa làm gió suốt thời gian đó. Cảnh phim Lưu Đức Hoa gương mặt bầm dập, chạy moto chở Ngô Thanh Liên trong Thiên Nhược Hữu Tình (A Moment of Romance) sau 28 năm vẫn là một trong những hình ảnh kinh điển.
Đầu thế kỷ 21, phim thanh xuân Hong Kong bắt đầu thoái trào, gần như biến mất trên bản đồ điện ảnh.
Trở lại manh mún
Năm 2007, ông trùm giải trí Tăng Chí Vĩ chi tiền đầu tư cho một dự án điện ảnh đặc biệt của ba khu vực Hong Kong – Đài Loan – Trung Quốc. Tại đây, ba đạo diễn trẻ của ba vùng lãnh thổ được giao chung một đề bài làm phim thanh xuân xoay quanh câu chuyện của chín nhân vật.
Ba tác phẩm Gió Tháng Chín (Winds of September) của đạo diễn Lâm Thư Vũ – Đài Loan, Bầu Trời Cháy Bỏng (High Noon) của đạo diễn Mạch Hy Nhân – Hong Kong và Bản Đồ Chia Cách Em (The Tropic of Cancer)của đạo diễn Hàn Diên – Trung Quốc ra đời từ chương trình này.
Bầu Trời Cháy Bỏng là tựa phim tiêu biểu xác lập sự trở lại của dòng phim thanh xuân trên địa hạt điện ảnh Hong Kong. Tuy nhiên tạm thời, các phim thuộc chủ đề này chưa nhiều, còn manh mún, rải rác, không đủ làm nên dấu ấn.

Cá nhân người viết cho rằng, phim thanh xuân Hong Kong mang nhiều dấu ấn văn hóa bản địa, đó vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm. Bởi nó tạo nên tính khu biệt, chủ yếu hướng tới khán giả Hong Kong hoặc những người ngoại quốc yêu thích thành phố này.
Tại đêm trao giải Kim Tượng hồi tháng 4, Chủ tịch Hiệp hội nghệ sĩ Hong Kong Cổ Thiên Lạc và diễn viên gạo cội Huỳnh Thu Sinh ngầm vạch rõ ranh giới của điện ảnh Hong Kong với điện ảnh Trung Quốc, đồng thời cổ vũ giới làm phim tích cực tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu quê nhà. Sự tái xuất của phim thanh xuân Hong Kong là một dấu hiệu đáng ghi nhận cho tinh thần của họ.