Cứ “lặn” thật lâu, Tuyết Thu lại xuất hiện và làm khán giả truyền hình giật mình. Còn nhớ trước đây, sau vai Oanh trong “Blouse trắng”, chị chỉ đóng vài ba vai nho nhỏ rồi đột nhiên trở lại ấn tượng với Thy Mai trong “Cha dượng”. Lần này, sau vai bà Mười Một trong “Sông dài”, mất 2 năm, chị mới trở lại với vai vú Thảo trong “Tấm lòng của biển”. Thời gian Tuyết Thu “ở ẩn” lần này không lâu như trước nhưng cũng đủ làm khán giả sốt ruột.
Vừa vẹn nét đằm thắm
Phim truyền hình giống như một chiếc cầu, nối dài thêm con đường nghệ thuật của Tuyết Thu. Hơn 15 năm làm nghề, chị chỉ có trên dưới 10 vai diễn. Những vai diễn đó lại cách nhau một thời gian xa vời vợi. Sự trở lại bao giờ cũng rất dễ trở thành cái bóng, nhưng dễ gì Tuyết Thu làm mình bị lu mờ. Vai vú Thảo trong “Tấm lòng của biển” lần này cũng không ngoại lệ. Người ta bảo đạo diễn Trương Dũng cố tình và ưu ái cho cặp đôi Tuyết Thu – Thanh Nam khi “bê” họ từ “Sông dài” qua “Tấm lòng của biển”. Nhưng nếu không phải là một người vừa đẹp người đẹp nết, tinh tế, dịu dàng và có sức diễn khủng khiếp như Tuyết Thu thì có trăm sự ưu ái đi nữa cũng chẳng dễ làm nên cơm cháo gì.
Đạo diễn Trương Dũng là người quen biết Tuyết Thu từ lâu, hiểu chị tường tận, cả khả năng lẫn giới hạn. Để vào vai vú Thảo, Tuyết Thu có tất cả, dù chỉ mới nhìn từ bên ngoài. Nếu khán giả từng biết đến Tuyết Thu một thời nức danh xuân sắc thì hẳn sẽ không ngạc nhiên khi xem Tuyết Thu của hôm nay. Với vú Thảo, ngay từ ngoại hình, Tuyết Thu đã vừa vẹn nét đằm thắm, dịu hiền, chịu đựng. Cứ hễ chị mặc chiếc áo bà ba, chưa cần bước vào khung hình cũng đã thấy một vú Thảo hiện diện rõ ràng. Cũng bởi vậy mà người ta đã nghĩ chị vào vai này “dễ như trở bàn tay”. Kỹ thuật diễn xuất không cần dùng đến, Tuyết Thu bước vào vai diễn đơn giản mà sâu sắc, nhẹ nhàng mà thấm thía. Lúc bình lặng, lúc dồn nén, lúc vỡ òa…
Vú Thảo có cuộc đời đầy éo le, ngang trái. Chồng đi tù, thương cha chồng bệnh tật cần tiền chữa bệnh mới đứt ruột bán đứa con sinh non cho ông bà chủ, ở lại làm vú nuôi suốt 20 năm. Trải dài 30 tập phim, Tuyết Thu cho thấy sức diễn mạnh mẽ, không bị hụt hơi ở bất kỳ phân cảnh nào. Chị bảo cố tình chọn những trường đoạn đắt giá để nhấn nhá. Đó là lúc Hà Thanh nhẫn tâm đuổi vú Thảo ra khỏi nhà, bà bàng hoàng và đau xót đến tê tái. Trong lúc Hà Thanh la mắng ầm ầm, bà chỉ một câu nói: “Cho vú ôm hôn con một cái”. Giữ im lặng một lúc, vú Thảo hôn lên trán con. Tất cả vỡ vụn và im bặt. Để có được vài phút xúc động tình mẫu tử, Tuyết Thu đã xin đạo diễn Trương Dũng cho thêm thắt chi tiết này. Một cái hôn đặt lên trán con, bao nhiêu nước mắt rớt xuống. Vô vọng khi một sợi dây thiêng liêng đã đứt.
Đam mê nhưng không bằng mọi giá
Là con gái út trong một gia đình có 7 anh chị em, từ nhỏ Tuyết Thu đã là một nàng công chúa. Không phải là “công chúa ngủ trong rừng” mà ngủ trong… “nhung lụa”. Lúc nhỏ chị gầy gò và ốm yếu, mong manh và dễ vỡ, đa nghi và sợ sệt. Một con kiến cũng không dám giẫm. Thấy máu me là mặt mày xanh lè, xỉu lên xỉu xuống. Yểu điệu thục nữ và mềm mại như vậy nên suốt ngày chị chỉ mê may vá, thêu thùa và… hát cải lương. Thi đại học, chị đậu cùng một lúc 2 trường là Nghệ thuật Sân khấu 2 (Khoa Cải lương) và Đại học Tổng hợp TP HCM. Tuyết Thu phải khóc suốt 2 tháng hè mới thuyết phục được mẹ cho theo học cải lương.
Từ thuở sinh viên, Tuyết Thu đã nổi lên là một thiếu nữ xinh đẹp, cái đẹp dịu dàng, đoan trang của “hương đồng gió nội”. Mãi về sau này, những nét đẹp kín đáo ấy vẫn tồn tại một cách vững chắc, dù đã có “bay đi ít nhiều” theo thời gian. Có một thời rất nhiều đàn ông mê Tuyết Thu vì sắc, sau đó lại chuyển sang mê vì tài. Tuyết Thu biết hát cải lương, múa đẹp, lại còn đóng kịch giỏi, đóng phim xuất sắc. Con đường nghệ thuật của chị quả kỳ lạ và phức tạp. Xuất thân từ cải lương nhưng ra trường lại đi múa, được khán giả biết đến với kịch và nổi tiếng hơn nhờ phim.
Mỗi lĩnh vực mà Tuyết Thu đi qua, chị chưa làm tan nát, rung chuyển nhưng cũng đủ lan tỏa. Những điệu ballet hoàn hảo trong vở “Nguyệt hạ”, công chúa Ngọc Hân trong “Hồn thơ ngọc”, Hà trong “Đôi bờ”, Hồng Nhiên và Chéry trong “Trò chơi tham vọng”, Bích Hồng trong “Cảm ơn mình đã yêu em”… Với sân khấu, Tuyết Thu làm nghề một cách nhẫn nại và âm thầm chứ không dữ dội. Trên truyền hình, những vai diễn của chị chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng luôn tròn trịa. Vai diễn của chị sẽ rất hay nếu là nội tâm, đau khổ, nước mắt; sẽ rất thú vị nếu là phản diện, gai góc. Chị cũng không có nhiều đất cho những vai hài hước, dí dỏm. Nhưng Tuyết Thu thừa thông minh để không cố đóng những vai như vậy. Chị chẳng tỏ ra tham lam và làm lung tung. Nếu nghệ thuật là một bức tranh đầy màu sắc thì Tuyết Thu ví mình như một nét vẽ điểm xuyết, rất nhẹ nhàng lướt qua.